Giỏ hàng

CHIẾN THUẬT ĐÁNH ĐÔI TRONG CẦU LÔNG (PHẦN 2)

Ở phần 1 của bài viết, chúng ta đã tìm hiểu về vị trí đứng và các chiến thuật cơ bản, phần này mình sẽ nói rõ thêm về chiến thuật phòng thủ trong đánh đôi

KHI ĐANG TRONG TƯ THẾ PHỐI HỢP PHÒNG THỦ, HAI NGƯỜI CHƠI NÊN DÀN HÀNG NGANG ĐỂ BAO QUÁT HẾT CHIỀU RỘNG SÂN, ĐỒNG THỜI TƯ THẾ ĐỨNG NÊN CHÂN TRƯỚC CHÂN SAU ĐỂ SẴN SÀNG DI CHUYỂN LÊN LƯỚI HAY LÙI SAU (ĐỘI HÌNH ĐỨNG SONG SONG).

A. Để chống trả lại cú đập cầu:

1. Đẩy cầu sâu, bổng (lift): Đưa cầu bổng lên sẽ tạo điều kiện cho đối thủ đập tiếp nhưng đôi khi là cần thiết vì bạn không có nhiều thời gian, không có nhiều lựa chọn khác trước cú đập quá rát của đối thủ. Một cú gài lưới trong tình huống như vậy dễ bị đối thủ đứng trên rình rập và đánh cú kết thúc.

Nếu bạn có sức bung hãy bung cầu ra sau càng sâu càng tốt và hy vọng các cú đập tiếp theo sẽ yếu dần, bớt cắm hơn hay kém chính xác. Khi đó sẽ có cơ hội phản công.

 

2. Đánh cầu tạt: Đây là một lựa chọn rất tốt để phản công, đặc biệt là để đối phó với những cú đập “lài” (flat smash) của đối phương. Ý đồ của cú đánh này là đưa cầu vược qua tầm khống chế của đối thủ đứng trên lưới và ra phía sau lưng họ (cầu rơi giữa vị trí người trên và người dưới). Khi thực hiện được điều này bạn nên sẵn sàng chờ cơ hội chuyển qua tấn công vì đối thủ thứ hai đứng phía sau không có cơ hội đập cầu trước cú tạt của bạn nữa.

3. Gài lưới: Cú đánh phòng thủ này rất hiệu quả khi đối thủ đứng phía trên lại lùi hơi xa về phía sau (vì họ muốn đề phòng cú tạt cầu của bạn). Dĩ nhiên khi đánh cú gài lưới thì phải càng sát lưới càng tốt. nếu không, bạn tưởng tượng ra rồi đấy, một cú gài lưới quá bổng (vồng lên cao rồi mới rơi xuống) chẳng khác gì một cú đưa cầu đẹp cho … đối thủ “kết thúc” mình!

Một điểm hết sức quan trọng phải nhớ là nếu bạn chủ động đánh cú gài lưới thì bạn phải bám lấy lưới. Vì sao? Bạn là người chủ động đánh và hiểu rõ cú đánh của mình (là gài lưới ở chỗ nào), chắc chắn bạn sẽ di chuyển lên lưới nhanh hơn đồng đội của mình khi mà họ còn chưa kịp nhận ra bạn đánh cú gì. Nếu bạn làm được điều này gần như bạn đã ép được đối phương chỉ còn cách giở cầu bổng lên cao. Như vậy đồng đội của bạn phía sau sẽ có cơ hội tấn công.

Nếu bạn gài lưới mà không bám lưới, thay vào đó chỉ đứng nhìn đường cầu của mình, hoặc thậm chí lùi về sau, thì 99% trường hợp bạn sẽ “chết” vì khả năng lên lưới không chế và phản đòn của đối phương (đánh trả lại cũng bằng cú gài lưới) ngay tại chỗ bạn vừa đánh vì không ai kiểm soát khu vực lưới đó cả. Hãy tin chắc là như vậy!

4. Đánh cú đẩy cầu nửa sân: Cú đánh phòng thủ này chỉ nhằm mục đích đưa cầu sang phần sân đối phương, ở khoảng giữa người đứng trên và người đứng dưới. Cú này, giống như cú tạt cầu, đặc biệt hiệu quả khi người đứng trên tiến quá sát lưới. Cú đánh này có thể khó mà qua tay người đứng trên, nhưng nếu bạn thành công, khả năng đối thủ đứng phía sau phải giở cầu bổng lên là rất lớn. Khi đó bạn đã có cơ hội để tấn công.


 Khả năng chơi lưới rất quan trọng trong đánh đôi

B. Để chống trả lại cú gài lưới:

Đánh thế nào khi bị cú bỏ nhỏ của đối phương sẽ tuỳ thuộc vào bạn lên lưới nhanh hay chậm, khi mà độ cao của trái cầu so với mép trên lưới thế nào.

Hiển nhiên là cú chụp lưới là cú đánh tốt nhất để “trị” cú bỏ nhỏ. Nhưng nếu cầu đã xuống thấp hơn mép lưới bạn chỉ còn cách tuỳ nghi mà đánh những cú tạt, đẩy “đờ-mi”, gài lưới hay kéo lưới. Hiển nhiên là những cú càng về sau thì càng “yếu thế” hơn, mang tính bị động nhiều hơn.

 

Do vậy để chống trả lại cú bỏ nhỏ của đối phương một cách hiệu quả vấn đề tiên quyết có lẽ là bạn phải luôn sẵn sàng cho mình một tốc độ và bộ pháp lên lưới rất nhanh. Sau nữa là kỹ thuật kết thúc trên lưới. Sẽ không ai dám đánh lưới với bạn nữa nếu bạn tỏ ra vượt trội ở những điểm nêu trên, bởi nếu cứ đánh như vậy khác nào … “tự sát” trước bạn!